Trường Cao đẳng nghề có thể giữ vai trò nòng cốt đào tạo nhân lực phục vụ tiến trình hội nhập
Từ triết lý dân gian đến luận cứ khoa học
Nghề nghiệp là những hoạt động bao hàm tri thức và kỹ năng của con người về một lĩnh vực nào đó. Ông cha ta từ xưa đã đúc kết một số triết lý rất sâu sắc và thấm thía về vai trò của nghề nghiệp trong cuộc sống của con người: “Của rề rề không bằng nghề trong tay”. Nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc - của cải vật chất - không phải là vô tận, nếu có sẵn của cải để dùng mà không khéo dùng, mà hoang phí đến một lúc nào đó có khi trắng tay. Nhưng nếu có nghề nghiệp, cùng với chịu thương, chịu khó thì con người có thể làm ra mọi thứ của cải vật chất. Nhưng vấn đề ông cha ta đặt ra là phải “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghĩa là phải giỏi nghề, nắm vững đến mức làm chủ hoàn toàn công việc mình làm, thông thạo kỹ năng, kỹ xảo, xử lý được mọi tình huống có thể xảy ra, tạo nên sản phẩm có chất lượng cao hoặc hiệu quả công việc tốt. Nếu biết nhiều nghề mà nghề nào cũng chỉ hời hợt, “cả thèm chóng chán”, “chuồn chuồn chấm nước” thì hậu quả còn tai hại hơn nhiều: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Lời cảnh báo của ông cha ta xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công việc đào tạo nghề cho người lao động vẫn luôn là vấn đề nóng. Suy đến cùng, đào tạo nghề chính là giáo dục nghề nghiệp. Đó là quá trình giáo dục tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng… nhằm hình thành, phát triển năng lực và nghề nghiệp cho con người theo những tiêu chuẩn, những yêu cầu nhất định của xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã đi tìm nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động cao hay thấp ở các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau, kể cả ở các cơ quan lãnh đạo, quản lý - nơi ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định - đều có chung một đáp số: trình độ nghề. Trình độ nghề thể hiện sự hài hòa giữa kiến thức lý thuyết với kỹ năng thực hành. Lý thuyết vững vàng, phong phú, chuyên sâu là tiền đề giúp người lao động thực hành và rèn luyện để hoàn thiện các kỹ năng, kỹ xảo trong công việc chuyên môn của mình. Trong quá trình tham gia hoạt động thực tiễn, người lao động sẽ tích lũy kinh nghiệm, củng cố kiến thức lý thuyết, lọc bỏ những gì không còn phù hợp để không ngừng cải tiến, nâng cao trình độ nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và xu thế của thế giới.
Một thực trạng nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều trăn trở
Với dân số gần 100 triệu người, hiện cả nước có hơn 300 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, trong đó có gần 200 trường cao đẳng nghề. Riêng trường cao đẳng nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội quản lý nhà nước. Xét về mô hình, trường cao đẳng nghề có ba mô hình chính: cao đẳng công lập, cao đẳng tư thục, cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài. Xét về nghề nghiệp, có một số ít trường đào tạo một số nghề chính (Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, Cao đẳng công nghiệp In, Cao đẳng Du lịch Hà Nội…), còn hầu hết các trường cao đẳng nghề ở nước ta đào tạo đa ngành, nghề. Nếu xét về quy mô và tốc độ có thể khẳng định quy mô các trường cao đẳng ở Việt Nam là khá lớn và tốc độ phát triển rất nhanh, nhất là từ sau năm 1996 đến nay.
10 năm Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định những thành tựu quan trọng của giáo dục và đào tạo nước nhà. Theo đó, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục và đào tạo từng bước được hiện đại hóa; số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ rõ chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc… Thành tựu và hạn chế của giáo dục nghề nghiệp cũng không nằm ngoài những nhận định trên đây.
Vậy sau 10 năm, giáo dục nghề nghiệp có gì mới? Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngày 27/11/2014, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp (8 chương, 79 điều) thay thế Luật Dạy nghề (2006) quy định khá đầy đủ, cụ thể về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngày 21/10/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định về Điều lệ trường cao đẳng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và quản lý trường cao đẳng; tổ chức hoạt động đào tạo; nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học trong trường cao đẳng; tài chính, tài sản; quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp…
Với chủ trương đúng đắn của Đảng, với hành lang pháp lý thuận lợi, hệ thống trường cao đẳng nghề không ngừng tăng nhanh về số lượng trường, ngành, nghề càng ngày càng mở rộng để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của xã hội mà số lượng người học cũng có xu hướng tăng nhanh. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,2 triệu người học nghề, riêng năm 2022, có khoảng 2,45 triệu người học nghề (cao nhất trong 5 năm qua). Đáng chú ý là hệ thống các trường nghề (nhất là trường cao đẳng nghề) đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trường nghề ra trường có việc làm vượt mốc 80%. Đó là những con số biết nói.
Tuy nhiên, còn đấy khá nhiều trăn trở và thách thức. Toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học, công nghệ nhất là thành tựu chưa từng có của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại đã chứng kiến một số ngành, nghề bị đào thải nhưng cũng xuất hiện nhiều ngành, nghề mới để đáp ứng và thích nghi với yêu cầu mới. Nhiều trường cao đẳng nghề của nước ta chưa bắt kịp xu thế này nên chưa tạo ra được sức hấp dẫn để thu hút người học. Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ học sinh tham gia học nghề ở các nước tiên tiến đạt từ 30 đến 50%, ở nhiều nước khác từ 10 đến 25%, nhưng tỷ lệ học sinh học nghề ở Việt Nam mới chỉ khoảng 10% và tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm cũng thấp hơn nhiều nước (Singapore: 93,3%, Đức: 90,4%). Số đông trường cao đẳng nghề tập trung ở các đô thị lớn, nhiều ngành, nghề lạc hậu; nhiều trường mới đào tạo nghề mình đã có, chưa tiếp cận nhanh nhu cầu xã hội, chưa gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo của nhiều trường còn lạc hậu, chắp vá. Đội ngũ giáo viên của nhiều trường cao đẳng nghề không đồng đều. Chất lượng đào tạo của nhiều trường cao đẳng nghề còn thấp, kỹ năng thực hành chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng ngoại ngữ hạn chế, không dễ vượt qua rào cản khi làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra còn phải kể tới sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số trường, một số trường thực dụng, đầu vào thấp, cắt xén chương trình, chưa chú trọng đúng mức khâu thực hành trong đào tạo nghề.
Yêu cầu và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Yêu cầu của xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu chưa từng có đang diễn ra tác động mạnh mẽ đến việc đào tạo nghề cho người lao động, mở ra nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống trường cao đẳng nghề ở nước ta hiện nay. Nhiều nghề mở ra mà chưa được chuẩn bị tích cực về giáo viên, về trang thiết bị dạy học, điều kiện thực hành; nhiều nghề đã lạc hậu không đáp ứng nhu cầu người học. Mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn đến một số trường cao đẳng nghề có xu hướng chạy theo lợi nhuận, chất lượng đầu ra thấp.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đặt ra yêu cầu “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”1, “Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”2. Chỉ có như vậy mới tạo ra bước đột phá có tính chiến lược để con người Việt Nam thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước.
Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tập trung xây dựng hệ thống trường cao đẳng nghề có chất lượng cao. Cần ra soát lại và đánh giá một cách cụ thể, chính xác chất lượng hiện nay của các trường, bao gồm một số mặt: tính chiến lược của ngành, nghề đào tạo trước yêu cầu của xã hội trong hiện tại và tương lai; đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo; đầu vào, đầu ra; kết quả làm việc của học sinh sau khi đã ra trường… Trên cơ sở đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có thể tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác có liên quan cơ cấu lại hệ thống các trường cao đẳng nghề cho phù hợp yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phù hợp với các vùng, miền, các địa phương, đáp ứng nhu cầu cả trước mắt và lâu dài. Kiên quyết giải thể những trường không còn phù hợp hoặc sáp nhập với cơ sở đào tạo khác để “trường ra trường, lớp ra lớp”. Xây dựng đội ngũ giáo viên vừa giỏi lý thuyết, vừa giỏi thực hành (chứ không phải người này chỉ chuyên dạy lý thuyết, người kia chỉ chuyên dạy thực hành). Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo một cách chủ động, nhấn mạnh yêu cầu “để làm” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Học để làm việc, làm người…”3 và những triết lý về trụ cột, xu thế phát triển của giáo dục - đào tạo thế giới trong thế kỷ XXI mà UNESCO đã xác định: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Chỉ có như vậy mới khắc phục triệt để được tâm lý khá phổ biến của một bộ phận người học là chỉ để lấy bằng tốt nghiệp. Tăng cường đào tạo chính quy, quản lý chặt chẽ tất cả các khâu của quá trình đào tạo, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo nghề. Đổi mới việc kiểm tra và thi, cơ cấu điểm thực hành hợp lý. Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, kiên quyết không cho phép học “chay” (tức là chủ yếu học lý thuyết). Trường cao đẳng nghề phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong cả giáo viên và học sinh, nhất là các đề tài mang tính thực tiễn, đổi mới sáng tạo, áp dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Công nghệ in 3D (3D Printing), Người máy (Robotics),…
Hai là, gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương, bộ, ngành để tránh lãng phí. Các trường cao đằng nghề cần chú trọng đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác, các làng nghề truyền thống để có thêm giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân lành nghề, nghệ nhân, đưa học viên về học tập, trải nghiệm thường xuyên ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, coi đây là môi trường tốt nhất để kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên. Khuyến khích tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao ngay trong các trường cao đẳng nghề - một hình thức để khẳng định thương hiệu của nhà trường.
Ba là, tăng cường hội nhập quốc tế trong việc đào tạo nghề, trước hết là trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Các trường cao đẳng nghề của Việt Nam có thể mạnh riêng trong hội nhập quốc tế, rõ nhất là cung cấp nguồn nhân lực có nghề, giỏi nghề cho nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… và một số nước khác ở châu Phi… Các trường cần mở rộng liên kết trong đào tạo với một số trường trong khu vực và trên thế giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ và trình độ nghề của học sinh. Tiếp tục tham gia các cuộc thi tay nghề của khu vực ASEAN và thế giới để khẳng định kỹ năng nghề của học sinh Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Muốn hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, các trường cao đằng nghề của Việt Nam phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để hiện đại hóa, chuẩn hóa về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, để cho và nhận một cách chủ động, bình đẳng, không lép vế trước các đối tác nước ngoài.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và vai trò của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hệ thống trường cao đẳng nghề. Mặc dù đã có bước đột phá đối với công tác quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng nghề nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ. Cần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của các trường cao đẳng nghề, chế độ của người dạy, người học để các trường không còn phải loay hoay giải bài toán tuyển sinh, nhất là với các trường ngoài công lập. Giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả về vấn đề này, khắc phục hiện tượng “con anh, con tôi”. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan có liên quan có chiến lược hoặc hướng dẫn để xây dựng trường chuẩn, trước hết là xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề có trình độ cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc dạy và học. Tiếp tục tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, học viên giỏi quy mô khu vực, quy mô toàn quốc, tạo động lực cho người dạy và người học, làm căn cứ để tham dự các kỳ thi trong khu vực ASEAN và thế giới. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần đầu tư đúng mức và ưu tiên cho trường cao đẳng nghề do địa phương quản lý, có những chính sách mang tính đột phá để trường cao đẳng nghề thực hiện hiệu quả sứ mệnh, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Điều lệ trường cao đẳng, trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng cần giúp các trường cao đẳng nghề của Việt Nam kết nối với một số trường nghề danh tiếng, có uy tín của khu vực ASEAN và một số nước khác trong việc liên kết đào tạo nghề, việc cấp bằng để các trường cao đẳng nghề không chỉ tiếp cận mà còn có cơ hội học hỏi, vượt lên trước các trường bạn đối với một số ngành, nghề thế mạnh của Việt Nam./.
TS Nguyễn Văn Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Trần Bích Trâm - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang