Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc tiếp tục nghiên cứu có chủ trương, chính sách căn cơ, hiệu quả hơn về tạo việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động và thu hút, tuyển dụng, sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường, không để lãng phí nguồn lao động trẻ, nhất là lao động đã được đào tạo, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm thiểu tội phạm và tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, lao động là thanh niên nói riêng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Bộ LĐTB&XH, thời gian qua, nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên (trong đó có học sinh, sinh viên) ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, các cơ quan, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm... Bộ LĐTB&XH đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp, cụ thể như:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho đối tượng người lao động nói chung, đối tượng là thanh niên nói riêng và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận hơn trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho các đối tượng người lao động nói chung (trong đó có thanh niên) nhất là thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu miền núi... thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN; quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Theo Bộ LĐTB&XH, từ năm 2018, đã thành lập tổ công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đào tạo của mỗi nhà trường để học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng thời doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tại rất nhiều cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường và đến khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng đã chỉ đạo và khuyến khích mô hình các cơ sở GDNN cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN đã được quy định rõ trong Luật GDNN và các luật về thuế liên quan, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo trong GDNN và sử dụng lao động qua đào tạo.
“Theo báo cáo từ các địa phương và các cơ sở GDNN, trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ trong GDNN ra trường có việc làm ngay”, Bộ LĐTB&XH cho biết.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về người lao động (trong đó có thanh niên) đồng bộ, hiện đại, su kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phục vụ phân tích, đánh giá thị trường lao động.
Nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là kết nối trực tuyến, từng bước hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối liên vùng, toàn quốc; nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu công - tư trong dịch vụ việc làm; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động; hình thành mạng thông tin quốc gia về việc làm.
Đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động, tích cực phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách lao động, việc làm phù hợp cho thanh niên, nhất là thông qua các ứng dụng, các trang thông tin điện tử trên môi trường trực tuyến. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách lao động, việc làm.
(Theo TTCP)